“Cuộc cách mạng” về chất lượng giống
(Thủy sản Việt Nam) - Nâng cao chất lượng cá tra giống không chỉ giải quyết được vấn đề tỷ lệ hao hụt cao trong ương cá giống; mà còn giúp nâng cao hiệu quả trong nuôi cá thương phẩm, cá tăng trọng tốt, thời gian nuôi ngắn, lợi nhuận từ đó cũng sẽ tốt hơn.
Nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng cá tra giống Ảnh: LHV
Lo về chất lượng
Hiện, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 230 cơ sở sản xuất cá tra giống, có thể sản xuất được trên 25 tỷ cá bột; hơn 4.000 hộ ương dưỡng cá giống với diện tích hơn 2.250 ha, đảm bảo cung ứng khoảng 2,2 tỷ cá tra giống cho các vùng nuôi. Vùng sản xuất giống tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang.
Nhu cầu sử dụng giống của vùng ĐBSCL hàng năm khoảng 18 - 20 tỷ cá bột và khoảng 2 - 2,2 tỷ cá tra giống. Tuy nhiên, đến nay chất lượng cá tra giống vẫn chưa được cải thiện nhiều, tỷ lệ hao hụt vẫn ở mức cao. Sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất cá bột, cho cá đẻ ép, đẻ non và đẻ mật độ quá dày trong nhiều năm đã khiến chất lượng cá giống ngày càng suy giảm.
Bắt tay hợp tác
Với mong muốn đóng góp hoàn thiện chuỗi giá trị cá tra, Tập đoàn Sao Mai quyết tâm tạo bước đột phá để thực hiện “cuộc cách mạng” về chất lượng cá tra giống bằng việc hợp tác với Viện Nghiên cứu Công nghệ Sản xuất Nuôi trồng Thủy sản (Israel) xây dựng Trung tâm nghiên cứu giống cá tra chất lượng cao.
Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sao Mai cho biết, trong 4 ngày từ 11 - 14/6/2018, Tập đoàn đã cử cán bộ chuyên môn cùng nhóm chuyên gia nghiên cứu Israel đi khảo sát thực tế tại các trung tâm giống thủy sản ĐBSCL, vùng nuôi của các hộ liên kết để đánh giá toàn bộ quy trình sản xuất, lai tạo giống cá tra của Việt Nam. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng để hai bên cùng tiến tới hợp tác nghiên cứu cải tiến chất lượng cá giống, lai tạo ra các thế hệ giống F1, F2, F3, cung cấp cho các hộ nuôi tại ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.
Với bước đột phá hết sức táo bạo của Tập đoàn Sao Mai cùng với Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL” đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt, hy vọng ngành hàng cá tra Việt Nam sẽ khắc phục tình trạng khan hiếm cá tra giống khi vào cao điểm và giảm tỷ lệ hao hụt trong quá trình thả nuôi, góp sức phát triển ngành nuôi chế biến cá tra một cách bền vững.
>> Ông Trương Vĩnh Thành, Phó TGĐ Tập đoàn Sao Mai: “Chúng tôi đã xây dựng được “mạng kết nối liên lạc băng thông rộng” với các vệ tinh từ trại giống cho đến vùng nuôi. Khi IDI đã chủ động 80% nguyên liệu cho 2 nhà máy thủy sản hoạt động xuyên suốt thì chúng tôi nghiễm nhiên điều phối thị trường từ đó sẽ khống chế được rủi ro và ổn định giá thành”. |